Đến Cà Mau nghe kể chuyện về bác Ba Phi

Qua khỏi trung tâm xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) gần 5 km, cuối con đường nhựa ở ấp Lung Tràm là nơi cố nghệ nhân dân gian Nguyễn Long Phi (bác Ba Phi) sinh sống đến cuối đời. Dân miền Tây không xa lạ với bác Ba Phi bởi ông là nhân vật trong văn học dân gian gắn liền với những mẩu chuyện cười đơn sơ, mộc mạc gắn với đồng bưng, sản vật rừng U Minh.

Không riêng gì bà con vùng đất Cà Mau, nói đến chuyện kể bác Ba Phi, hầu như ai cũng biết. Những câu chuyện kể của bác Ba hết sức sống động, vừa huyền thoại vừa kịch tính, đã góp phần rất lớn vào kho tàng Văn học dân gian Nam Bộ.

ve ca mau nghe ke chuyen ve bac bac ba phi

Căn nhà vách tôn nền đất này là nơi thờ nghệ nhân Ba Phi nhưng thường xuyên đóng cửa.

Tại Hội thảo khoa học Chuyện cười dân gian bác Ba Phi được Bộ Văn hoá – Thông tin tổ chức năm 2002, các nhà nghiên cứu đều cho rằng giá trị nghệ thuật của chuyện bác Ba Phi mang đậm nét đặc trưng của làng quê Nam Bộ. Trong những câu chuyện kể ấy, tiếng cười sảng khoái, vui tươi, gắn chặt với đồng ruộng, chim thú, cây rừng…, mang giá trị nghệ thuật cao như: Bắt chim sen, Chọi đá làm máy bay rơi, Leo cây ớt té gãy chân, Le le tập thể dục, Tàu rùa chạy nhanh như tàu máy, Rắn hổ mây tát nước đìa bắt cá…

ve ca mau nghe ke chuyen ve bac bac ba phi 4

Bác Ba Phi (Nguyễn Long Phi) được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam truy tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian, truy tặng Huy chương Vì sự nghiệp Văn nghệ dân gian năm 2003. Ông sinh năm 1884, tại ấp Rạch Mũi, xã Cái Rắn, huyện Cái Nước. Sau khi sinh ông, ba mẹ ông do tránh sự truy đuổi bắt lính, phạt vạ và quấy rối của đám quan quân thời chúa Nguyễn đã chạy dạt sang trú ngụ tận Kinh Ngang, thuộc xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời ngày nay. Bác Ba là một lực điền giỏi võ và mê đờn ca tài tử, đặc biệt rất giỏi đờn cò.

Bác Ba vốn là người vui tính, lạc quan. Ngay từ lúc nhỏ, mặc dù không biết chữ nhưng Bác lanh trí và thông minh, nên sau hầu hết những câu chuyện bác kể, dù là chuyện dóc do bác suy nghĩ, liên tưởng hay nhân cách hoá chăng nữa, thì ai nghe kể đều cười vui, hả lòng hả dạ vì thấy có tình, có lý. Những năm đầu của thập niên 60, chuyện kể bác Ba Phi xuất hiện như một hiện tượng lạ, lý thú, cuốn hút mọi đối tượng, kể cả các đồng chí giao liên và các chiến sĩ ngoài mặt trận.

ve ca mau nghe ke chuyen ve bac bac ba phi 2

Di ảnh bác Ba Phi và đường vào khu mộ của ông

Bác Ba Phi qua đời vào ngày 3/11/1964, tại ấp Đường Ranh, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, nay là Kinh Ngang, ấp Lung Tràm, xã Khánh Hải. Ngôi mộ của bác hiện nằm giữa 2 ngôi mộ của 2 người vợ Trần Thị Lữ và Lữ Thị Cham.

Bác Ba mất đi nhưng đã để lại một kho tàng truyện tếu lâm cho thế hệ sau. Kho tàng văn hoá phi vật thể ở Cà Mau, trong đó có hệ thống chuyện kể bác Ba Phi là kết quả của quá trình lao động, sáng tạo của bác và cộng đồng cư dân Cà Mau.

ve ca mau nghe ke chuyen ve bac bac ba phi 1

Ngôi mộ của bác hiện nằm giữa 2 ngôi mộ của 2 người vợ Trần Thị Lữ và Lữ Thị Cham.

Hiện nay, khu nhà và mộ phần của bác Ba Phi được xây dựng thành tuyến du lịch văn hóa của tỉnh Cà Mau. Những câu chuyện kể của ông, truyện nào cũng mang lại cho người nghe trước hết là tiếng cười sảng khoái, mượt mà âm sắc trào lộng, rất đặc hiệu Ba Phi. Đồng thời, nó còn ẩn chứa tính hào hùng của lớp người đi mở đất, tính cách đặt trưng, lòng yêu thiên nhiên và con người của người dân Nam Bộ.

Leave a Reply