Là bến cuối cùng của đường Hồ Chí Minh trên biển, Vàm Lũng đã làm tròn sứ mệnh lịch sử của mình. Địa danh Vàm Lũng đã gắn liền với tên tuổi những người anh hùng như Bông Văn Dĩa, Lê Văn Một… những chiến sĩ đã chọn nơi đây làm bãi tiếp nhận vũ khí bí mật, rồi cùng các đồng chí trong Đoàn 962 đưa thuyền buồm, thuyền máy vượt biển ra miền Bắc, mở đường Hồ Chí Minh trên biển về tận Mũi Cà Mau. Chính nơi đây, ngày 16-10-1962, chiếc tàu đầu tiên “Phương Đông I” do thuyền trưởng Lê Văn Một và chính trị viên Bông Văn Dĩa chở theo 35 tấn vũ khí từ miền Bắc về cặp bến an toàn, đồng thời khai thông con đường vận tải chiến lược trên biển Đông – đường Hồ Chí Minh trên biển.
Tượng đài Bến Vàm Lũng – biểu trưng lòng dũng cảm của người dân Rạch Gốc anh hùng.
Cửa biển Vàm Lũng, thuộc ấp Dinh Hạng, xã Tân Ân (nay là thị trấn Rạch Gốc), huyện Ngọc Hiển. Nhắc đến Vàm Lũng, người ta nhớ về chiến công thầm lặng của các chiến sĩ trên con tàu “Không số” vượt biển Đông chi viện cho miền Nam trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước. Nhờ địa hình hiểm trở với những cánh rừng phòng hộ dày đặc ven biển và nhiều kênh rạch chằng chịt, Vàm Lũng đã bảo vệ an toàn cho những chiến sĩ cách mạng và những con tàu trong suốt 10 năm đạn bom ác liệt (1962 – 1972).
Cán bộ chiến sĩ, đoàn viên Trung đoàn 962 tham quan nhà trưng bày di tích lịch sử Bến Vàm Lũng
Hình tượng người chiến sĩ trên những “Đoàn tàu không số” luôn nằm trong lòng nhân dân miền Nam.
Trong giai đoạn 1962 – 1972, đã có 77 chuyến tàu cặp bến thành công, cung cấp hàng ngàn tấn vũ khí, đạn dược phục vụ cho chiến trường miền Nam. Vàm Lũng còn ghi dấu, chứng kiến những chiến công hiển hách, vang dội của quân, dân ta và cán bộ, chiến sĩ Đoàn 125 Hải quân và Đoàn 962 anh hùng, góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước.
Có được thành công như thế, các chiến sĩ ta đã trải qua biết bao gian khó, hiểm nguy. Để đảm bảo an toàn cho các chuyến hàng, những chiếc tàu của Đoàn 759 phải hóa thành tàu đánh cá, không có những số hiệu cố định từ đó dễ dàng trà trộn vào tàu đánh cá của ngư dân địa phương và những “Đoàn tàu không số” cũng ra đời từ đó.
Giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, một trong những cách “giữ lữa truyền thống” có hiệu quả.
Năm 2010, bến Vàm Lũng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia. Đây là niềm tự hào của Đảng bộ và quân, dân Ngọc Hiển anh hùng.