Sinh ra và lớn lên ở An Giang, nhiếp ảnh gia Huỳnh Phúc Hậu đem đến người xem những khoảnh khắc đời thường cùng phong cảnh thiên nhiên mộc mạc nhưng lôi cuốn tại mảnh đất này.
Huỳnh Phúc Hậu là nhiếp ảnh gia nổi tiếng về đề tài miền Tây, đặc biệt là vùng đất An Giang. Nếu vào mùa khô, An Giang là xứ nóng bụi thì từ tháng 8 đến tháng 10 hàng năm, các cánh đồng chìm ngập trong biển nước.
Tham khảo thêm: tour miền Tây Tết 2018 của công ty Đất Việt Tour tại đây, hoặc liên hệ 1800 6700 để được tư vấn miễn phí về các tour du lịch bạn nhé.
Mặc dù vậy, phong cảnh An Giang mùa nước nổi lại đẹp dịu dàng với hoa súng đua nở, hoa điên điển rực một màu vàng trên mặt nước.
Mùa nước nổi cũng có thể là mùa đói kém của nghề ruộng, thì tôm cá thay thế thóc gạo. Người nông dân cầm cày kéo bừa nay trở thành ngư phủ quăng chài thả lưới.
Ruộng đồng hôm trước nhưng hôm sau khắp nơi thuyền bè giăng câu thả lưới. Đến khi con nước rút, lại là lúc cá tôm sinh sôi nảy nở trên các cánh đồng, chúng tìm đường "hồi hương" về sông, mở màn cho vụ bắt cá của người dân An Giang.
Mùa này cá nhiều, người dân ăn không hết thì làm mắm. Mắm Châu Đốc có tiếng khu vực miền nam.
An Giang là mảnh đất hội tụ của bốn dân tộc Kinh – Hoa – Chăm – Khmer giàu bản sắc văn hoá. Với dân nhiếp ảnh, đây chính là kho báu của rất nhiều đề tài để khám phá, sáng tác trong hành trình tìm kiếm, lưu giữ khoảnh khắc đẹp về thiên nhiên, con người, cuộc sống tinh thần.
Nhiếp ảnh gia Huỳnh Phúc Hậu chia sẻ, nhờ chụp ảnh, anh đã có hai cuộc gặp gỡ quan trọng là với thiên nhiên và con người. "Mỗi lần đi chụp ảnh là 1 lần tình yêu quê hương thêm quyến luyến. Tôi yêu quê tôi, yêu phong cảnh thiên nhiên mộc mạc và gần gũi, yêu những con người lao động chân chất, chịu thương chịu khó".
Những bức ảnh nằm trong bộ 40 tác phẩm trên sẽ được trưng bày 2 tuần tại triển lãm "An Giang mùa nước nổi", số 209, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, từ sáng 19/11, mở cửa tự do.