Ăn bồn bồn – nhớ Cà Mau

Khi đi du lịch Cà Mau, bạn hãy cân đôi ba ký “bồn bồn” về, phần để chế biến món ngon cho cả gia đình, phần làm quà cho bạn bè thì còn gì thơm thảo bằng.

an bon bon nho ca mau 2

Mùa nước ngọt ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu từ tháng 6 và kéo dài đến tháng 11. Đó cũng là lúc những vạt bồn bồn đua nhau tươi tốt, phủ một màu xanh mướt lên những cánh đồng chua.

Bồn bồn gốc trắng lá xanh là một loại thức ăn rất lành vì dù mọc hoang hay được trồng đại trà thì nó vẫn là loài cây không cần chăm sóc, bón phân, chỉ lớn lên nhờ những dưỡng chất mỡ màu từ đất.

an bon bon nho ca mau 3

Bồn bồn có thể kết hợp với nhiều nguyên liệu khác nhau như tôm khô, thịt bò, thịt heo… để làm nên món xào dùng trong các bữa cơm gia đình. Tùy vào nguyên liệu và cách xắt sợi ngắn dài, dày mỏng khác nhau mà mỗi món có vị ngon riêng.

Trong số đó, ngon nhất có lẽ là bồn bồn xào tép bạc. Đây là món dễ chế biến nhất và cũng là món giữ được vị ngọt đặc trưng của bồn bồn vì chỉ cần dùng rất ít, thậm chí không cần gia vị. Đĩa đồ xào vừa dọn ra nhìn đã bắt mắt: tép bạc thân căng tròn, đỏ au xen lẫn với màu trắng ngà, bóng mượt của những sợi bồn bồn thật quyến rũ. Vị ngọt đậm đà của tép bạc hòa quyện với vị ngọt thanh của bồn bồn khiến ai ăn một lần cũng nhớ mãi.

an bon bon nho ca mau 4

Một món ăn luôn được nhiều người nhắc đến đó là gỏi bồn bồn đầy đủ chua, cay, mặn, ngọt, phù hợp khẩu vị của người miền Nam. Có người trộn gỏi bằng loại bồn bồn đã làm chua để món ăn có nhiều hương vị nhưng những người sành ăn lại thích dùng bồn bồn tươi để thưởng thức trọn vẹn vị thơm ngọt của bồn bồn: phần gốc hơi giòn nhưng không cứng, phần lá non mềm nhưng không bở, tan ngay trong miệng. Gỏi bồn bồn thường được trộn với tôm sú và ít thịt luộc, thường là những lát thịt ba rọi mềm và béo. Gỏi bồn bồn thường được dọn lên cùng với bánh phồng tôm làm món khai vị trong những bữa tiệc tại gia thân mật hoặc trong các tiệc cưới.

an bon bon nho ca mau 5

Cùng với dưa điên điển, dưa bồn bồn cũng được xem là một trong những loại dưa đặc sản của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Bồn bồn ngâm nước giấm đường một thời gian ngắn sẽ thành dưa. Món dưa này dường như không thể vắng mặt trong những bữa cơm của người dân quê trong mùa thu hoạch bồn bồn. Những sợi bồn bồn trắng ngà chấm nước cá kho là một món “hao cơm”. Ngoài ra, dưa bồn bồn còn được dùng để nấu canh chua với các loại cá ngát, cá dứa, cá bông lau, tạo nên một hương vị rất riêng của vùng sông nước miền Tây Nam bộ.

Leave a Reply