Đi đâu và làm gì ở Cà Mau?

Ai nghĩ đến Cà Mau cũng đều nghĩ đến nơi cuối cùng của tổ quốc: Mũi Cà Mau, đến với điểm du lịch Mũi Cà Mau, du khách được thăm cột mốc toạ độ quốc gia, ngắm rừng, ngắm biển, chiêm ngưỡng ráng chiều ẩn hiện trên vùng trời biển bao la.

Mũi Cà Mau là mảnh đất nhô ra ở điểm tận cùng phía Nam của Tổ quốc Việt Nam thuộc địa phận xóm Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, cách thành phố Cà Mau hơn 100 km.

Cột mốc toạ độ quốc gia

Đất Mũi được nhắc đến như một vùng đất thiêng liêng trong tâm thức người Việt Nam và trong đời, ai cũng ước một lần được đến. Nơi đây có hệ sinh thái rừng ngập mặn rất đa dạng và phong phú.

Còn rất nhiều nơi khác mà du khách không thể bỏ qua khi tới Cà Mau

Những địa điểm tham quan, du lịch ở Cà Mau

1. Hòn đá bạc

Từ thành phố Cà Mau đến hòn Đá Bạc khoảng 50km, đây là một hòn đảo nhỏ nằm sát biển, nhìn sang vịnh Thái Lan, thuộc huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Không to lớn như nhiều đảo khác, nhưng hòn Đá Bạc lại là hòn đảo có vị trí quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, khai thác biển và du lịch.

Trên đảo có nhiều cảnh đẹp như sân Tiên, giếng Tiên, bàn chân Tiên, bàn tay Tiên, chùa Cá Ong trong một hệ sinh thái thực vật phong phú. Đảo Đá Bạc là một trong những điểm du lịch đẹp của Cà Mau.

2. Mũi Cà Mau

Mũi Cà Mau thuộc huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, là nơi duy nhất trên đất liền Việt Nam bạn thấy mặt trời mọc trên biển Đông và lặn ở biển phía Tây. Vùng đất cực Nam của Tổ quốc này được khai phá vào cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII gắn liền với cuộc sống quần tụ của ba dân tộc: Việt, Hoa, Khmer. Do vậy mà có sự giao thoa những nét sinh hoạt văn hoá đa sắc tộc thể hiện qua nhiều phong tục, tập quán phong phú và đặc sắc

Với một vùng đất phù sa mầu mỡ có những khu rừng ngập nước quanh năm; dưới tán rừng có nhiều loài chim, thú, thủy sản sinh sống đã tạo cho Cà Mau một cảnh quan đặc sắc mang nét riêng của vùng đất trẻ đầy hoang sơ, mới lạ. Về với đất mũi Cà Mau, bạn sẽ được thưởng thức những sản vật từ biển như ốc hương, mực tươi, cá rúng, cá khoai, cá nâu và thả mình theo điệu du dương của những làn điệu dân ca.

3.Rừng U Minh 

Rừng U Minh nằm sát vịnh Thái Lan, thuộc hai tỉnh Kiên Giang và Cà Mau, là kiểu rừng rất đặc thù, được xếp hạng độc đáo và quí hiếm trên thế giới.

Rừng U Minh

Rừng U Minh gồm phần trên là U Minh Thượng, phần dưới là U Minh Hạ. Giữa U Minh Thượng và U Minh Hạ là sông Trẹm và sông Cái Tàu. Nơi đây thiên nhiên hùng vĩ và hoang sơ.

Rừng U Minh được coi là nơi có giá trị sinh khối cao nhất so với các kiểu rừng với khoảng 250 loài thực vật, chủ yếu là cây tràm mọc khắp nơi, hơn 180 loài chim, hơn 20 loài bò sát… Sinh cảnh của rừng U Minh còn là hiện trường và hệ quả của tiến trình diễn biến động thái của những hoạt động kiến tạo địa chất.

4. Đảo Hòn Khoai

Hòn Khoai thuộc huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, là đảo đá, đồi và rừng còn gần như nguyên vẹn với nhiều loại gỗ quí, động thực vật phong phú, phong cảnh thiên nhiên hoang dã lôi cuốn. Đến Hòn Khoai, ngoài việc bạn chiêm ngưỡng vẻ đẹp nên thơ của những bãi biển đầy đá cuội tròn như trứng ngỗng, mà còn có dịp leo núi, băng rừng, trực tiếp ngắm nhìn một thảm rừng nguyên sinh cực kỳ quý hiếm ở nước ta với hơn 1.000 loại thực vật và hàng trăm giống chim thú vẫn còn nguyên vẹn

Trên đỉnh cao nhất của hòn Khoai, hiện nay vẫn còn một cây hải đăng do người Pháp xây dựng từ cuối thế kỷ 19. Ngọn hải đăng và địa danh Hòn Khoai đã được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử trong cuộc kháng chiến chống Pháp, mà cụ thể là cuộc khởi nghĩa của thầy giáo Phạm Ngọc Hiển. Từ trên ngọn hải đăng, bạn còn có dịp được các chiến sĩ biên phòng cho phép thông qua kính viễn vọng, nhìn một trong 5 hòn đảo vây quanh hòn Khoai là hòn Đồi Mồi với thảm thực vật xanh biếc, giống hệt con đồi mồi đang bơi giữa biển xanh. Đặc biệt, bạn có thể hướng kính viễn vọng về mũi Cà Mau để một lần trong đời được chiêm ngưỡng từ xa cái mũi đất thiêng liêng của tận cùng tổ quốc, mà không dễ có ai ngắm được nếu không ra Hòn Khoai.

5. Sân chim Ngọc Hiển

Sân chim Ngọc Hiển thuộc huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, là điểm du lịch sinh thái và nghiên cứu về các loài chim trong môi trường sinh thái tự nhiên được bảo vệ tốt của Cà Mau. Sân chim Ngọc Hiển có diện tích tự nhiên rộng 130ha. Là một trong những sân chim tự nhiên lớn nhất nước ta. Sân chim Ngọc Hiển có dòng sông Bảy Háp chảy qua cùng với hệ thống kênh ngòi chằng chịt, thảm thực vật phong phú và xanh tươi quanh năm đã là môi trường thiên nhiên trong lành, nơi trú ngụ của các loài chim bay đến hàng năm. Đến đây, bạn sẽ được sẽ tận mắt chứng kiến hàng vạn chim, cò, cồng cộc, le le, vạc, cúm núm, gà nước… bay sà xuống những thửa rừng đước, bờ tre đậu đông nghẹt. Chúng nhảy múa, âu yếm và tấu lên bản “đại giao hưởng” cho đến khi mặt trời khuất bóng.

6. Đình Tân Hưng

Đình Tân Hưng là nơi treo cờ Đảng Cộng sản Đông Dương đầu tiên tại Cà Mau (năm 1930). Đây là nơi đóng quân của Bộ chỉ huy Mặt trận Tân Hưng, mặt trận chống Pháp tại Cà Mau. Ngày nay, để ghi dấu di tích cách mạng này Ngành Văn hóa đã cho đắp một bức phù điêu và xây dựng một nhà Lưu niệm mặt trận Tân Hưng để nhân dân khắp nơi về đây thưởng lãm và nhớ về một truyền thống hào hùng của cha anh. Đình được bộ Văn hoá Thông tin công nhận là di tích năm 1992.



Leave a Reply