Là tỉnh cuối cùng của đất nước, địa danh Đất Mũi luôn có sức vẫy gọi tự thân. Cà Mau có thể đưa ra một slogan du lịch rằng “Chưa đến Cà Mau là chưa đến ĐBSCL”, bởi đi đến hết mũi đất Cà Mau mới là một ĐBSCL vẹn toàn – một ĐBSCL nằm trọn trong thể thống nhất từ “đỉnh Lũng Cú đến Mũi Cà Mau”.
Với những đặc điểm vị trí địa lý, Cà Mau đã và đang tập trung phát triển du lịch sinh thái. Khu dự trữ sinh quyển thế giới (DTSQTG) Mũi Cà Mau hội đủ những điều kiện trở thành điểm nhấn du lịch sinh thái ĐBSCL.
Khu DTSQTG Mũi Cà Mau có diện tích trên 370.000 ha, được phân định 3 vùng: vùng lõi, vùng đệm và vùng chuyển tiếp. Toàn khu dự trữ tương ứng với 3 địa bàn sinh thái: Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau là hệ sinh thái rừng ngập mặn đặc hữu của thế giới; Vườn Quốc gia U Minh Hạ hệ sinh thái ngập úng của ĐBSCL; rừng đặc dụng phòng hộ ven biển là nơi chuyển tiếp giữa hai hệ sinh thái ngập mặn và ngập nước theo mùa; bờ biển Cà Mau dài 254 km, chạy từ phía Đông sang Vịnh Thái Lan.
Làng rừng (khu nhà nghỉ tại cụm du lịch sinh thái Mũi Cà Mau).
Việc được UNESCO công nhận là khu DTSQTG với hệ thống tiêu chí sinh thái nghiêm ngặt theo chuẩn quốc tế là minh chứng hùng hồn về ứng xử tốt đẹp của nhiều thế hệ người Cà Mau đối với vùng đất tận cùng đất nước. Trong đó, đặc sắc nhất là kinh nghiệm sống trên vùng “đất ngập mặn”, “đất ngập úng” của cư dân Cà Mau đã được bảo tồn; càng có giá trị thời sự trong điều kiện biến đổi khí hậu, dự báo xu hướng mực nước biển dâng cao, nhấn chìm một phần lãnh thổ Việt Nam trong tương lai.
Đây là những cơ sở để phát triển du lịch sinh thái nhân văn, bởi hình thức du lịch này là du lịch cộng đồng bền vững, tuân thủ nguyên tắc phát triển bền vững, dung dưỡng môi trường.
Dưới góc độ nhìn Khu DTSQTG Mũi Cà Màu là một điểm nhấn du lịch sinh thái nhân văn ĐBSCL. Điều cần quan tâm nhất đến quy luật bất biến của thế giới tự nhiên, đó là tính mùa vụ. Trên thế giới nếu thật có sản phẩm du lịch sinh thái thì đó phải là sản phẩm theo mùa vụ, người làm du lịch khôn ngoan thì không nên cung ứng cho du khách những loại sản phẩm trái mùa.
Để Khu DTSQTG Mũi Cà Mau có thể trở thành điểm nhấn du lịch sinh thái nhân văn ĐBSCL, với quan niệm “điểm nhấn” là sự khác biệt, độc đáo cần có để nuôi dưỡng hoạt động du lịch, xin đề xuất một số mô hình du lịch “không giống ai”.
“Đêm Đất Mũi” để du khách thưởng thức được cảnh mặt trời mọc lên từ mặt biển Đông vào buổi sáng và lặn xuống lòng biển phía Tây vào buổi chiều. Phải là đêm để cảm thụ được những lò hầm than đước dáng vẻ đầy ma mị, biểu tượng của trí khôn dân gian thời đi mở cõi. Thao thức cùng ánh đèn xa khơi mùa câu mực. Là đêm mới khề khà bên mẻ un khói xua muỗi, nướng sản vật, để tiếng đàn ca tài tử Nam Bộ mới ru hồn lữ khách.
Mặt trời mọc ở rừng U Minh
“Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc”, tập tục thờ cá Ông ở đây đã trên trăm năm. Lễ hội diễn ra vào tháng 2 âm lịch hằng năm thu hút hàng ngàn tàu cá đang có mặt trên ngư trường tham gia. Đây cũng là nơi lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam có một cuộc “Bắc tiến” vĩ đại năm 1954 với 200 ngày chuyển quân miền Nam tập kết ra Bắc. Là nơi có Hòn Đá Bạc mà thời Gia Long gọi tên là Bạch Sơn với miếu “Hải linh”, đồng thời ghi dấu chiến tích của ngành an ninh thời bình Chuyên án CM12 nổi tiếng.
Nối các điểm du lịch “Hòn Đá Bạc – Làng cười Ba Phi – Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc” sẽ tạo cho du khách một tour du lịch sinh thái hấp dẫn. Từ đây du khách có thể thưởng thức được các sản vật phong phú thiên nhiên ban tặng cho rừng – biển Cà Mau.