Khi đến với du lịch vùng sông nước Cà Mau chắc hẳn bạn sẽ bị lôi cuốn bởi những thắng tích nổi tiếng: Rừng tràm, rừng đước, Hòn Đá Bạc, Hòn Khoai, Đầm Thị Tường… Nhưng đối với những du khách có tấm lòng thờ kính những đấng thiêng liêng thì sẽ nghĩ ngay đến chùa Bà Mã Châu.
Tọa lạc ngay trung tâm thành phố Cà Mau, chùa Bà Mã Châu có tên chữ là Thánh Hậu Cung. “Cung”, trong tiếng Hán có nghĩa là “miếu”, nhưng người Việt không quen sử dụng từ “miếu” mà chỉ quen dùng từ “chùa” với ý nguyện nâng giá trị tâm linh của miếu lên một bậc. Theo phong thủy, chùa tọa lạc nơi có địa thế “giao long đắc địa”. Được cất vào năm 1882, khi những lưu dân người Hoa từ Trung Quốc thuộc nhóm di thần nhà Minh không thần phục chế độ Mãn Thanh lên cai trị đất nước, di dân sang định cư tại đây. Cũng như các địa phương khác, người Hoa ở Cà Mau chỉ lập chùa thờ Ông và thờ Bà, rất hiếm khi họ có chùa thờ Phật, theo chính danh, mà họ gọi là Minh Nguyệt Cư Sĩ Lâm. Chùa Ông thờ Bổn đầu công Trịnh Hòa, còn chùa Bà thờ Bà Mã Châu. Cho nên, người ta thường gọi chùa Bà Mã Châu vừa ngắn gọn vừa không văn hoa chữ nghĩa như Thiên Hậu Cung.
Theo một trong vài truyền thuyết, Bà Mã Châu là một phụ nữ quê ở Phù Điền (tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc), tên thật là Lâm Mật Nương. Có nơi cho rằng Bà tên thật là Mi Châu, có lẽ vì vậy mà người ta gọi là Mã Châu. Lên 6 tuổi, Bà làu thông kinh Thư, kinh Thi, lại giỏi y lý, bốc thuốc chữa bệnh thật đại tài cho dân không lấy tiền. Vốn xuất thân từ một gia đình đánh bắt cá, cha lại là Tổng quản tuần tra trên biển, nên Bà có biệt tài dự đoán chính xác mọi rủi ro trên biển. Nhờ vậy mà tàu thuyền trước lúc ra khơi đều đến tham vấn Bà. Bà mất ngày mùng 9-9 âm lịch, năm 988, khi mới 28 tuổi. Tương truyền, khi Bà qua đời, vẫn còn hiển linh nơi biển cả và thường cứu giúp những ngư dân gặp nạn ngoài trùng dương nên được vua Càn Long phong là Thiên Hậu Thánh Mẫu. Và Bà được lập đền thờ, khắp những nơi nào có người Hoa định cư. Người Hoa gọi Bà là “A Phò”, “Phò Miếu”, có nghĩa là “Đức Bà”.
Chùa Bà Mã Châu ở Cà Mau đầu tiên là một mái lá đơn sơ. Đến mùa hè năm Quý Mẹo (1903) Hội quán Ban Tiều Cà Mau đã chung sức xây dựng lại với lối kiến trúc đậm sắc thái Trung Hoa, đặc biệt là nét kiến trúc cuối đời Minh, với hình quả ấn nhìn từ chánh điện. Mái chùa có những đầu đao cong vút. Bên trong chùa có lối kiến trúc theo thế Thiên tỉnh (Giếng trời). Chùa cất bằng các bệ đá được chở từ cảng Hạ Môn – Phúc Châu (Phúc Kiến, Trung Quốc) sang. Giữa tiền sảnh chùa có dòng chữ đỏ Thiên Hậu Cung (Miếu Thiên Hậu), Hà thanh hải yến (Thiên hạ thái bình), đôi con kỳ hươu tả hữu tượng trưng cho sự bằng an kiết tường. Giữa chánh điện thờ tượng Bà, bên dưới điện thờ thần Hổ, hai bên tả hữu thờ Thổ thần và Thần hoàng bổn cảnh. Đây là phong cách thờ cúng lâu đời của người Trung Hoa… Qua các đợt trùng tu, chùa Bà vẫn giữ nét uy nghiêm, cổ kính ban sơ với những hình tượng, con người… đi từ truyền thuyết. Vẫn mái ngói uốn hình rồng bay, vẫn cột gỗ nhẵn bóng trụ trên phiến đá đẽo gọt công phu, vẫn những bức hoành phi câu đối sơn son thếp vàng ẩn trong quần thể chung đạt nét trầm rất riêng tư…
Bà Lâm Mật Nương sinh ngày 23-3 âm lịch, năm 960. Vì vậy lễ vía Bà được người dân khắp nơi tổ chức vào ngày này. Dịp này, chùa Bà diễn ra rất long trọng với dàn nhạc Tàu, múa bóng rỗi… phục vụ khách thập phương và dân chúng địa phương đến chiêm bái, tạ ơn và cầu quốc thái dân an.