Hồng Anh Thư Quán – Dấu ấn lịch sử Cà Mau

Cuối năm 1927, Đào Hưng Long được Kỳ Bộ Nam Kỳ Hội Việt Nam thanh niên cách mạng cử về thị trấn Cà Mau hoạt động tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin cho nhóm thanh niên yêu nước, có ý thức giác ngộ cách mạng. Qua thời gian ngắn tuyên truyền giáo dục, tháng 1/1929, chi hội Việt Nam thanh niên cách mạng thị trấn Cà Mau được thành lập, gồm: Lâm Thành Mậu, Nguyễn Văn Chánh, Trần Hải Thoại, Tăng Văn Hai… do Đào Hưng Long làm Bí thư.

Vừa được thành lập, chi hội xác định nhiệm vụ quan trọng là tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin, giáo dục ý thức cách mạng trong nông dân, công nhân, học sinh, trí thức và lãnh đạo quần chúng đấu tranh đòi quyền lợi dân sinh, dân chủ.

Trong phong trào đấu tranh đó, chi hội còn mở hiệu sách “Hồng Anh Thư Quán” và quán cơm “Tâm Đồng”, phổ biến những sách báo có nội dung tiến bộ, giáo dục tinh thần yêu nước, tinh thần đoàn kết trong các tầng lớp nhân dân, đồng thời làm nơi tập hợp, sinh hoạt của những người hoạt động cách mạng.

hong anh thu quan dau an lich su ca mau 2

Khu di tích Hồng Anh Thư Quán, tọa lạc phường 2, TP Cà Mau

Ngôi nhà làm “Hồng Anh Thư Quán” được xây dựng đầu thế kỷ 20, dưới thời chủ quận người Pháp Metaye, là một căn trong dãy nhà lầu hai tầng được làm nhà hàng, phòng ngủ có tên Á Châu. Tầng dưới bán sách gồm văn xuôi và thơ, ca; trong đó có cuốn sách mang tên “Trai Nam Việt – Gái Lạc Hồng” được nhiều người ưa thích.

Nói chung, hiệu sách Hồng Anh Thư Quán được độc giả mến mộ và được những người yêu nước, những người hoạt động cách mạng làm chỗ dựa cho các hoạt động của mình và về sau này trở thành địa chỉ của bọn mật vụ, mật thám, lính kín “chiếu cố” tìm cách đánh phá. Tầng trên làm địa điểm hội họp, trao đổi ý kiến của chi hội Thanh niên cách mạng, là nơi nói chuyện thời cuộc của những người yêu nước.

hong anh thu quan dau an lich su ca mau

hong anh thu quan dau an lich su ca mau 1

Phòng trưng bày trong Khu di tích Hồng Anh Thư Quán

Các phong trào đấu tranh ở quận Cà Mau tuy diễn ra chưa nhiều, nhưng những cuộc đấu tranh đó trở thành “hạt nhân” loan tỏa nhiều nơi, thức tỉnh tinh thần đấu tranh cách mạng của nhân dân lao động ở Cà Mau. Qua các cuộc đấu tranh, thực dân Pháp đánh hơi biết được dấu hiệu hoạt động cách mạng, chúng tăng cường bọn lính làng, mật thám theo dõi để khủng bố phong trào và tìm đầu não của cách mạng để tiêu diệt.

Tại thị trấn Cà Mau, chúng để mắt đến Nhà sách Hồng Anh Thư Quán. Ở đây ngày càng có nhiều người đến đọc sách, báo, nhiều người lui tới rất khả nghi nên bọn thực dân Pháp ra lệnh đóng cửa hiệu sách. Nhưng sau đó, bằng nhiều lý lẽ sắc bén, có lý, có tình, nhiều cán bộ cách mạng và quần chúng vẫn lui tới Hồng Anh Thư Quán đọc sách, hội họp, trao đổi quốc sự.

Chi hội Việt Nam thanh niên cách mạng thị trấn Cà Mau thành lập và hoạt động thời gian không bao lâu, nhưng việc truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin và đường lối cách mạng gây một ảnh hưởng rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân thị trấn Cà Mau và các xã quanh vùng. Chi hội Việt Nam thanh niên cách mạng làm tròn vai trò, nhiệm vụ lịch sử của mình, tạo được hạt nhân và tiền đề cho sự ra đời của Chi bộ Đảng cộng sản Việt Nam thị trấn Cà Mau vào năm 1930.

hong anh thu quan dau an lich su ca mau 5

Hồng Anh Thư Quán được công nhận di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia ngày 25/9/1992

Leave a Reply