Du lịch Cà Mau là điểm dừng chân mơ ước của hàng triệu du khách trên khắp thế giới. Đặc biệt ở Cà Mau, du lịch cộng đồng (homestay) đang là xu hướng thịnh hành được rất nhiều du khách yêu thích. Thời gian không quá dài và chi phí hợp lý, tại điểm đến, khách du lịch sẽ được ở nhà của người dân bản xứ và được cùng ăn, cùng ở, cùng làm với gia đình gia chủ.
Qua đó, khách du lịch có thể tiếp cận, gần gũi, tìm hiểu rõ hơn về văn hoá, lịch sử, đời sống, con người hay ẩm thực, tận hưởng trọn vẹn không gian văn hoá truyền thống của địa phương, trải nghiệm cuộc sống, trải nghiệm chính mình.
Cà Mau được thiên nhiên ưu đãi là vùng đất lắm tôm nhiều cá, có rừng, có biển, hệ sinh thái ngập mặn, ngập úng cùng nhiều nét văn hoá đặc sắc, lịch sử vùng đất, nét sinh hoạt đậm chất miền Tây thân tình, gần gũi, con người phóng khoáng, hiền hoà, mến khách…
Đó là những thuận lợi lớn giúp ngành du lịch tỉnh nhà tạo ra những sản phẩm du lịch đặc trưng, cụ thể là loại hình du lịch homestay, làm nên “thương hiệu” của riêng Cà Mau.
Du khách trước đây đến tham quan Cà Mau thường chủ yếu mong muốn được đặt chân lên vùng đất địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc. Tuy nhiên, đến với Mũi Cà Mau, đến với rừng ngập mặn Cà Mau, rừng U Minh huyền thoại… khách du lịch thích khám phá, tìm hiểu vùng đất từng được mệnh danh “dưới sông sấu lội, trên rừng cọp um” hoặc “muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội lờn bánh canh” và thích được sống – ăn – ở cùng người dân bản xứ.
Những khách sạn cao cấp không còn là lựa chọn hàng đầu, những món ăn ở nhà hàng sang trọng không còn là niềm ưa thích, họ dần ưu ái cho những ngôi nhà gỗ, nhà sàn vách lá đơn sơ, những món ăn đồng quê, dân dã, những hoạt động trải nghiệm cuộc sống nơi thôn quê…
Hiện nay, tại Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau và Vườn Quốc gia U Minh Hạ, một số hộ dân đã được các cơ quan chức năng, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Trung tâm Thông tin và Quảng bá du lịch hỗ trợ về mặt chuyên môn cũng như tham gia khảo sát các mô hình du lịch cộng đồng tại các điểm, thực hiện công tác tuyên truyền và quảng bá, xúc tiến du lịch…
Các mô hình du lịch homestay đã đi vào hoạt động và có hiệu quả như hộ ông Nguyễn Văn Nhuần ở Rạch Bàu Nhỏ, hộ ông Phạm Văn Chiêng ở kinh Hai Thiện, hộ ông Nguyễn Văn Chính, Nguyễn Văn Tuấn ở kinh Rạch Vàm và hộ ông Tư Phương ở ấp Vồ Dơi…
Khách du lịch đặc biệt thích thú khi tham gia những bữa cơm thân mật với gia đình người địa phương, thưởng thức các món ăn mang hương vị rừng, biển Cà Mau. Hay theo những người dân đi giăng lưới, câu cá, câu cua, xổ vuông, đi lấy ong, đặt trúm lươn, bơi xuồng, đục hàu, sạc sò, làm mắm, làm khô, nấu ăn, làm cỗ, nghe kể những câu chuyện dân gian đặc sắc, thưởng thức đờn ca tài tử Nam Bộ… Đây là những hoạt động rất thú vị, rất riêng được Cà Mau tổ chức.
Tham gia những hoạt động này, du khách sẽ cảm nhận được những nét vui tươi, gần gũi với sinh hoạt, văn hoá đặc sắc cùng những trải nghiệm thú vị và chân thực nhất về cuộc sống của những cư dân vùng Đất Mũi Cà Mau.
Đây sẽ là những kỷ niệm đáng nhớ với những vị khách nước ngoài, cả những vị khách thành phố quen nếp sống hiện đại, tất bật muốn tìm về những không gian yên ả, trong lành để nghỉ ngơi, thư giãn và tìm hiểu, trải nghiệm những nếp sống, nét văn hoá đặc sắc.
Phát triển loại hình du lịch cộng đồng không chỉ mang đến lợi nhuận kinh tế cho nhiều phía mà còn góp phần to lớn vào việc giới thiệu, quảng bá hình ảnh về thiên nhiên, văn hoá, con người của vùng Đất Mũi Cà Mau một cách hiệu quả và chân thực nhất.
Tuy nhiên, để phát triển loại hình du lịch này thực sự hiệu quả và bền vững, tạo thành “thương hiệu” rất riêng của du lịch Cà Mau, đòi hỏi các ngành, các cấp, các đơn vị quản lý, kinh doanh du lịch và người dân địa phương phải phối hợp chặt chẽ, toàn diện.
Cần có những chính sách riêng cho phát triển du lịch cộng đồng, trong đó phải tính đến việc hỗ trợ giải quyết việc làm cho các hộ gia đình tham gia làm du lịch, quy hoạch, tổ chức xây dựng xóm du lịch cộng đồng, đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ du lịch, giúp người dân quảng bá và đào tạo nhân lực.