Thích thú câu rắn đêm giữa rừng U Minh

Bạn muốn khám phá du lịch, bạn muốn chinh phục mọi thử thách thì mảnh đất Cà Mau – “ngón chân cái chưa khô bùn” của Tổ quốc luôn có một sức cuốn hút kỳ lạ. Đó là tiếng gọi của những rừng đước, rừng tràm, những vườn cò, vườn chim và của thiên nhiên kỳ bí. Và nếu có một lần đến U Minh, những người yêu phiêu lưu mạo hiểm sẽ không bỏ qua cơ hội đi câu rắn đêm.

thich thu cau ran dem giua rung u minh

Rừng U Minh

Trước buổi câu rắn, người ta cũng chuẩn bị mồi câu như khi câu cá. Tất nhiên, mồi câu rắn không đơn giản là giun dế hay nhộng ong, bởi rắn là loài thông minh, chúng không dễ bị lừa bằng vài con mồi “tẹp nhẹp” ấy. Chiều trước buổi câu, vài chú bé con đã quen với con nước U Minh được cắt cử đi bắt mồi. Chỉ bơi xuồng dọc theo mé nước một lát là chúng đã tóm được cả chục con cá ăn tạp be bé bằng ngón chân cái. Đó thường là những con cá thòi lòi – một giống cá tinh nghịch với cặp mắt ốc nhồi luôn giương to nhìn xung quanh. Sau khi đã có một khoản kha khá, mấy đứa choai choai bắt đầu nhen lửa để nướng mồi. Cá tươi thì không có sức hấp dẫn với lũ rắn tinh quái nên phải nướng cho dậy mùi. Trước khi cho vào xiên nướng, họng cá bị banh ra để nhét vào một quả ớt hiểm – loại ớt rất cay, đúng như cái tên của nó. Khi nào những con thòi lòi há ngoác miệng, lưng vểnh cong trên than hồng là khoản mồi câu đã hoàn thành.

thich thu cau ran dem giua rung u minh 1

Rắn nước

Tiếp đến là lưỡi câu. Rắn sống trong rừng U Minh có sức khoẻ ngang với một con trăn trưởng thành, vì thế lưỡi câu phải làm từ bốn mươi đến năm mươi sợi dây gai rời móc vào nhau bằng những chiếc gai sắc nhọn. Khi con rắn sa bẫy, những sợi gai sẽ quấn chặt lấy và làm con rắn mất sức. Con rắn càng vùng vẫy thì những sợi gai càng săn, càng rối và càng siết chặt quanh mình con rắn.Buổi chiều hôm đi câu, giữa mênh mang sông nước Cà Mau, người thợ câu ăn cơm thật no cho chắc dạ để có sức thức đêm “chiến đấu” với rắn.

Khi mặt trời ủ rũ đi vào những đám mây đặc, người ta chèo xuồng theo con lạch nhỏ đi sâu vào rừng. Rừng thăm thẳm, kỳ bí, chỉ còn lóc bóc tiếng khua chèo, tiếng cá đớp mồi, tiếng gió vi vu và cả tiếng muỗi vo ve. Khi xuồng tới chỗ câu, người ta bắt đầu đặt mồi, cái móc được luồn sâu vào bên trong con mồi chỉ chừa đuôi cho con rắn dễ nhầm. Mồi được đặt cách mặt nước chừng nửa gang tay, đặt mồi như vậy là để cá lóc không nhảy lên ăn mất.

thich thu cau ran dem giua rung u minh2

Rắn hầm thuốc bắc

Giữa âm u, điệp trùng của rừng dừa, rừng đước, ánh đèn của thành phố như là một ký ức xa xôi. Những rễ cây rừng nhô lên trong ánh đèn lờ mờ, tiếng đàn cá nào đó bơi sủi tăm trên mặt nước… bản hoà tấu rừng sâu như muốn hù doạ những người yếu bóng vía. Một lát, nghe có tiếng “nhóp” đớp mồi, thế là một con rắn đã cắn câu. Đó là một con rắn rằn ri rất lớn. Nó đang cố vùng vẫy trong đám sợi gai, càng cố thoát thì càng rối. Một người ra túm con rắn cho vào giỏ, nó còn quấn chặt lấy tay người để tìm lối thoát cuối cùng, nhưng bị răng người cắn vào đuôi, con rắn vội buông ra rồi bị ném vào trong giỏ. Những người đi câu rắn lâu năm cho biết đuôi chính là điểm yếu của rắn rằn ri, nên nếu bị nó quấn cứ cắn nhẹ vào đuôi là nó sẽ buông ra ngay. Một đêm đi câu, may mắn thì được nhiều, nhưng cũng có khi mang giỏ về không. Thành quả này được người ta đem bán để ngâm rượu hoặc chế biến thành món đặc sản trong các nhà hàng.

Những ai đã từng theo chân người dân U Minh đi câu rắn đêm chắc hẳn sẽ nhớ câu nói của những người dân chài: “Cho những người đã bỏ mình và sẽ bỏ mình nơi biển cả”. Những cư dân của rừng U Minh cũng thế, họ dũng cảm đối mặt với những hiểm nguy bằng một thái độ bình thản khiến người khác phải khâm phục.

Leave a Reply