Khi nói đến Mũi Cà Mau là nơi “Đất nở ra, rừng biết đi, biển sinh sôi” là nói đến vị thế, tiềm năng và triển vọng, mà mỗi địa danh, mỗi vùng đất, mỗi cánh rừng đều gắn với hình ảnh văn hoá, di tích, danh thắng, con người Cà Mau, Đất mũi vươn ra ngán ngữ những đường biển quan trọng thuận lợi cho việc giao lưu kinh tế, văn hóa với các nước trong khu vực.
Không biết nghề gác kèo ong có từ khi nào mà đã trở thành nghề “độc quyền” của vùng đất U Minh Hạ. Nghề được truyền từ đời này sang đời khác và đang tạo nên nguồn lợi kinh tế cho nhiều hộ dân sinh sống dưới tán tràm.
Vào rừng ăn ong phải trang bị đầy đủ “thủ tục”
Hiện nay, rừng tràm U Minh Hạ chủ yếu là rừng trong sau khai thác hoặc sau cháy rừng (chiếm 52% tổng diện tích) diện tích này nằm toàn bộ trên vùng đệm phần lớn được giao khoán cho dân. Vùng đệm Vườn Quốc gia U Minh Hạ là nơi sinh sống và gắn liền với các hoạt động của nhân dân. Gắn liền với điều kiện tự nhiên và hệ sinh thái rừng tràm, đặc biệt là sự thích nghi và phát triển chiếm ưu thế của cây tràm, loài mật ong cũng phát triển theo và cho sản phẩm đặc trưng của rừng tràm.
Từ chỗ nghiên cứu tính nết, tập quán của đàn ong sống giữa bạt ngàn rừng tràm với hương hoa phảng phất ngào ngạt, dần dần các thợ rừng tiền bối đã rút ra kinh nghiệm và đi đến thành thạo trong việc lấy mật. Nếu chỉ mới nghe, chưa thực tế tưởng chừng như chuyện thần thoại.
Kèo ong được làm bằng cây tràm già dài hơn thước, một đầu có cái nhánh con dùng làm mấu. Người gác kèo phải chọn nơi tràm trổ bông kéo dài đủ cho ong lấy mật; kế đến chọn hướng gió, hướng ánh sáng rọi vào tổ và khoảng trống để ong bay lên đi lấy mật và đáp xuống dễ dàng. Sau khi chọn được địa điểm thích hợp, người thợ rừng gác chiếc kèo xiên khoảng 45 độ lên cây tràm, rồi dọn sạch cành lá xung quanh để khi lấy mật khỏi bị vướng.
Tàng ong
Ong non hấp lá mướp – món ngon của những bạn rừng
Những người gác kèo ong mật ở rừng U Minh Hạ thường tập hợp lại thành một tổ chức gọi là Đoàn phong ngạn, mỗi thành viên được phân chia từng lô cụ thể, với quy định rạch ròi, nghiêm ngặt: khi vào rừng, với bất kỳ lý do gì đều phải báo cho ít nhất một người trong Tập đoàn biết; mỗi đoàn viên phải chịu trách nhiệm canh giữ không để lửa cháy ở khu vực của mình; không trộm mật từ kèo ong của người khác.
Kế nghiệp từ ông nội và cha, ông Út Nhì, thành viên Đoàn phong ngạn 19/5 đã gắn bó với nghề gác kèo hơn 30 năm qua, ông bộc bạch: Thời điểm ăn ong thường được chia thành 3 mùa trong năm: mùa ong nước (mùa mưa), mùa ong lỡ (giao mùa) và mùa ong hạn. Mùa ong hạn là mùa chính, mật nhiều và chất lượng cao. Ông nói thêm: Kỹ thuật gác kèo ong là bí quyết cha truyền con nối của từng gia đình, nên ít ai chỉ ai. Nếu thợ nào gác có “nghệ thuật”; mỗi năm, mỗi kèo có thể thu hoạch 3 đợt, trung bình mỗi kèo có thể thu 5-8 lít mật, giá từ 100-120 ngàn đồng/lít.
Mật ong rừng U Minh toàn làm thủ công, nên luôn giữ được hương vị đặc trưng từ bông tràm
Không những nổi tiếng cả nước, mật ong ở rừng tràm U Minh còn được một số nước trên thế giới quan tâm, ưa chuộng, với các ưu điểm: Mật để lâu năm không đổi màu, không biến chất và không bị đọng đường, mang hương vị đặc biệt của hoa tràm và có rất nhiều công dụng trong y học, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp, chống lão hóa…