Cà Mau có nhiều thắng cảnh, di tích nổi tiếng gắn với thời kỳ khai khẩn đất và Quan Âm cổ tự (dân gian gọi là chùa Phật Tổ) là một di tích kiến trúc tâm linh độc đáo còn lưu giữ được dáng vẻ đặc trưng của một mái đình Nam Bộ xưa. Ngày nay, chùa Phật Tổ là một trong những trung tâm văn hóa tâm linh của người dân Cà Mau.
Năm 1840 dân cư trên vùng đất này xây dựng chùa… bằng vật liệu nhẹ, với cách kiến trúc thô sơ. Năm 1842, vua Thiệu Trị xuống chiếu sắc tứ “Quan âm Cổ Tự” và đến năm 1937 chùa được đại trùng tu và giữ nguyên vẹn từ đó đến bây giờ.
Khu di tích chùa Quan Âm cổ tự (chùa Phật Tổ), phường 4, TP Cà Mau.
Chùa Phật Tổ là ngôi chùa đầu tiên của tỉnh Cà Mau vinh dự được công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Chùa Phật Tổ kết cấu bằng vật liệu gạch xi-măng, lợp mái ngói ống, đao cong ở các góc. Điêu khắc hình rồng, các họa tiết bằng vữa xi-măng ốp sành sứ nổi bật trên nóc chùa. Hình tượng lưỡng long tranh châu cùng các họa tiết, hoa văn – nét trang trí mỹ thuật sinh động trên đỉnh, ngôi chùa. Các vách tường bên tả, bên hữu, chánh điện, tam bảo nổi bật các bức tranh, tượng ốp sứ có giá trị nghệ thuật. Chùa Phật Tổ là một kiến trúc tôn giáo cổ nhất và là nơi truyền Phật pháp sớm nhất ở Cà Mau.
Chùa Phật Tổ có khuôn viên rộng với tượng Phật lộ thiên, vườn Lâm Tỳ Ni… Ngoài kiến trúc chính của ngôi chùa, hiện nay còn có văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh, Trường trung cấp Phật học Cà Mau, cơ sở cắt may miễn phí và cơ sở khám, chữa bệnh miễn phí. Phía sau chùa là hoa viên cây xanh và khu lăng mộ. Bên trái kiến trúc chính còn có Tuệ Tĩnh đường miễn phí dành cho dân nghèo, Hội quán Gia đình Phật tử, nhà Tăng… Nơi đây vừa là nơi chốn tâm linh, thanh tịnh vừa là văn phòng làm việc của các ban ngành THPG Cà Mau, các cơ sở từ thiện giúp đỡ người nghèo từ các huyện thị vùng sâu, vùng xa.
Tượng Phật nằm ở khuôn viên chùa được du khách và phật tử khắp nơi đến tham quan.
Chùa Phật Tổ được xem là trung tâm văn hóa, tu học, tâm linh của Tăng Ni, Phật tử tỉnh Cà Mau. Mỗi dịp đại lễ Phật giáo như lễ rằm tháng Giêng, Phật đản, Vu lan… chùa Phật Tổ trở thành nơi diễn ra lễ hội, đông đảo Tăng Ni, Phật tử đã quy tập về tham dự.
Chùa Phật Tổ do thầy lang Tô Quang Xuân, pháp danh Trí Tâm dựng lên để xem mạch, hốt thuốc trị bệnh cho dân cư trong vùng và tu hành truyền bá những điều tốt lành cho dân chúng. Tương truyền, thầy lang Tô Quang Xuân có đạo hạnh hơn người, ông cảm hóa được mọi người và cảm hóa được các loài thú dữ, bằng Phật pháp và trị bệnh cứu người bằng y đức. Dân chúng trong vùng tôn vinh ông là vị Hòa thượng đầu tiên của chùa, là Tổ khai sơn. Sau khi viên tịch nhập tháp, dân chúng tôn kính ông nên gọi ngôi chùa ông trụ trì là “chùa Phật Tổ” và họ ca tụng công đức của ông như Phật Tổ Như Lai.
Chùa là nơi đã diễn ra Đại giới đàn Thiện Bửu. Ngoài ra, chùa Phật Tổ còn là nơi sinh hoạt của hàng trăm Phật tử với 4 đạo tràng: Niệm Phật, Bát quan trai, Thiền, Gia đình Phật tử. Hàng tuần nơi đây đều tổ chức tu học, thuyết giảng thể hiện tinh thần tu học tinh tấn, trang nghiêm, thanh tịnh.