Về Cà Mau – Thăm chùa Minivongsa Bopharam kiến trúc độc đáo của người Khmer

Ngay trung tâm Cà Mau có một ngôi chùa Khmer Nam bộ với những kiến trúc độc đáo, tạo cho du khách ấn tượng khó quên khi đến tham quan. Cổng chùa nằm về hướng Đông, sát mặt lộ là một kiến trúc đa dạng, quy mô khác nhau. Bên trên là hình 3 ngọn tháp, trang trí bằng nhiều hoa văn, được chạm trổ, điêu khắc công phu. Cổng nằm cách khuôn viên chùa hơn 100 mét. Khuôn viên chùa rộng lớn bao quanh là những hàng cây, đây chính là nét đặc trưng của một ngôi chùa Khmer Nam bộ.

Ve ca mau tham chua Minivongsa Bopharam kien truc doc dao cua nguoi khmer 7

Bức tượng Phật khổng lồ nằm ngang trước chánh điện chùa Monivongsa Bopharam gây ấn tượng đặc biệt. Tư thế nằm của Đức Phật được thiết kế độc đáo, tay phải kê đầu nhẹ nhàng, khuôn mặt thanh thoát, toát lên sự ung dung tự tại.

Monivongsa Bopharam, ngôi chùa Khmer độc đáo, là một điểm đến không thể bỏ qua khi thăm quan TP trẻ cực nam Tổ quốc – Cà Mau. Tọa lạc tại khóm 3, P.1, TP. Cà Mau, chùa là một quần thể kiến trúc mang đậm nét văn hoá của người Khmer Nam Bộ được xây dựng năm 1964, do cố Hòa Thượng Thạch Kên đặt viên đá đầu tiên.

Ve ca mau tham chua Minivongsa Bopharam kien truc doc dao cua nguoi khmer 3

Chánh điện chùa Monivongsa

Bên trong chính điện, nơi chư tăng hành tăng sự có tam cấp Bồ đoàn và đại thọ Bồ đề, nơi Đức Phật thịnh tọa tham thiền, phía trước là hai Long Vương chầu Phật, Bồ Tát đản sanh và trì bình khất thực. Trên bốn vách tường chính điện là những hình họa như: cảnh động tâm, đản sanh, xuất gia, thành đạo và nhập niết bàn cùng tiền sử của Đức Phật…

Ve ca mau tham chua Minivongsa Bopharam kien truc doc dao cua nguoi khmer 05

Mái chính điện được cấu trúc thành nhiều tầng lớp chồng lên nhau, tạo ra khoảng không gian cao vút, hòa với đỉnh nhọn như một chóp tháp. Trên vách, trên trần và các cột chùa được trang trí nhiều màu sắc, với những phù điêu bích họa kể lại cuộc đời của đức Phật và chuyện Riêm-kê, tức trường ca Ra-ma-ya-na do nghệ nhân Danh Bên ở Cà Mau khắc hoạ.

Chùa gồm có chính điện, sa la (nhà hội của các sư sãi), nhà ở của các sư sãi, tháp để cốt, am… Chính điện là nơi thờ tự chính trong chùa cao 32 mét, lối ra vào theo hướng đông và tây, được bao bọc bởi bốn bức vòng thành, nhiều vị tứ đại thiên vương quay mặt bốn hướng để hộ trì Tam ngôi và bốn châu thiên hạ như: Bắc cu lu châu, Đông thắng thần châu, Tây ngưu hóa châu và Nam thiện bội châu.

Chung quanh những cột đà bê tông cốt sắt kiên cố được chạm trổ những nét hoa văn theo sử học Phật giáo như: Mạn Đà – La – Hoa và thập nhị duyên khởi… Phía trên là những miếng ngói đỏ làm sáng ngời khu trùng tự và ba đỉnh chuông trên đỉnh tháp, tượng trưng cho việc bảo vệ, duy trì Kinh – Luật – Luận

Ve ca mau tham chua Minivongsa Bopharam kien truc doc dao cua nguoi khmer 2

Tháp để cốt được xây cất trong khuôn viên chùa, quanh chính điện là nơi rất thiêng liêng thờ hài cốt tập thể.

Khuôn viên chùa rộng lớn với những hàng cây bao quanh, bên trong có bốn bức vòng thành được gắn liền những tượng chằng Yàsá gồng mình gánh nặng (có ý nghĩa quay đầu phục thiện, hối cải lỗi lầm). Bốn góc chùa là bốn bàn tọa thiên ngự để nghe kinh kệ thuyết pháp và hộ trì Chư tăng tu học. Sa la là nhà hội của sư sãi và các tín đồ Phật giáo Khmer.

Trong gian sa la có bàn thờ Phật và các ghế, sàn, nơi các tín đồ bàn bạc, chuẩn bị trước khi lên chánh điện hành lễ. Trên vách và trần Sa la được trang trí các họa tiết, bích họa. Lối vào chùa đi qua cổng nhất ngọ môn với nhiều cấp bước, nhã ý muốn mời các Phật tử muốn thoát tục hãy mạnh dạn bước vào quy y Tam bảo, sống theo thiện Pháp mà Đức Phật đã giáo truyền.

Ve ca mau tham chua Minivongsa Bopharam kien truc doc dao cua nguoi khmer 5

Màu đỏ và vàng tươi là hai tông màu chủ đạo trong kiến trúc chùa. Hai màu tượng trưng cho sự may mắn, phước lành. Hai sắc màu nóng này phối hợp hài hòa trong tổng thể kiến trúc mang lại vẻ đẹp thu hút mọi ánh nhìn.

Ve ca mau tham chua Minivongsa Bopharam kien truc doc dao cua nguoi khmer 6

Một tượng Phật được xây dựng trước ao sen trong khuôn viên chùa.

Theo Thượng tọa Thạch Hà, trụ trì chùa Monivongsa bopharam, để có được một ngôi chính điện (xây dựng trên diện tích 230m2), các tín đồ Phật tử đã bỏ ra nhiều công sức nhằm duy trì nền văn hóa chung trong cộng đồng người Việt, cũng là nơi hành lễ để duy trì các giá trị Chân – Thiện – Mỹ mà Đức Phật đã giáo truyền. Với dân tộc Khmer vốn được xem là có tính cộng đồng rất cao thì ngôi chùa là nơi thiêng liêng nhưng cũng rất gần gũi.

Thông thường, ở đâu có chùa thì đồng bào Khmer tập trung ở xung quanh để học chữ, học giáo lý và học nghề. Vì vậy nên họ ví ngôi chùa là “trung tâm văn hóa của người Khmer”. Chính vì sự gắn bó mật thiết như thế nên họ rất tự hào về văn hóa của dân tộc mình. Đối với dân tộc Khmer, tính cộng đồng rất cao. Ngôi chùa vừa là nơi thiêng liêng nhưng rất gần gũi. Nơi đây như là mái nhà chung, đùm bọc và che chở họ. Một cõi tâm linh độc đáo của người Khmer thành phố Cà Mau…

Leave a Reply