Về nguồn thăm di tích lịch sử Đình Tân Hưng – Cà Mau

Du lịch văn hoá ở Cà Mau sẽ mang đến cho bạn những trải nghiệm thú vị về lịch sử. Văn hoá cội nguồn, tìm hiểu truyền thống lịch sử của bà con đất Mũi ở mảnh đất Cực Nam Tổ quốc. Bên cạnh những điểm du lịch sinh thái, tham quan di tích, chùa chiền cũng sẽ giúp bạn hiểu hơn về con người Cà Mau

Đình Tân Hưng nằm bên bờ kênh Rạch Rập, cách TP.Cà Mau 4km về hướng nam và cách Quốc lộ 1A khoảng 200m (ấp Tân Hưng, xã Lý Văn Lâm, TP.Cà Mau). Được xây dựng từ năm 1907, do thời gian và chiến tranh làm hư hỏng, sau nhiều lần được trùng tu, sơn sửa, Đình Tân Hưng mới có diện mạo như ngày nay.

Đình Tân Hưng

Đình được xây dựng năm 1907, trải qua thời gian chiến tranh, đình bị hư hỏng toàn bộ. Trên nền đó, người dân địa phương cho dựng một ngôi đình khác nhỏ hơn gồm một gian hai chái, mái lợp ngói âm dương, trên nóc đúc hai rồng chầu, dưới chân các cột ở trước mặt đình đều có kê đá tảng. Phía trước đình có bức bình phong bằng gạch đắp hình hổ, hai bên có hai trụ gạch vuông, đỉnh trụ đắp hình hai bông sen. Hai bên sân có hai miếu thờ nhỏ.

Theo thông lệ hằng năm, cứ đến mùng 10 và 11-5 âm lịch, người dân trong vùng và nhiều nơi khác trong tỉnh, từ Tp.Cà Mau cho đến tận vùng Năm Căn, Đất Mũi, lại nô nức tề tựu về dự lễ Kỳ yên, lễ cúng linh thần của đình thần Tân Hưng, người dân vẫn tổ chức cúng rất trang nghiêm, ngoài ý nghĩa tâm linh, tỏ lòng thành kính đối với các vị thần, thành hoàng phù hộ, còn nhằm tưởng nhớ đến những người có công với nước đã ngã xuống trên mảnh đất này. Đình Tân Hưng được xem như là chứng tích lịch sử của Cà Mau nói riêng và của Nam Bộ nói chung.

Lễ Kỳ yên

Tại nơi đây, vào năm 1930, lá cờ búa – liềm của Đảng Cộng sản Đông Dương (tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam) được treo trên ngọn cây trước đình. Đây cũng là nơi hội họp của các đồng chí cách mạng khi nơi đây đặt Bộ Chỉ huy Mặt trận Tân Hưng vào những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Nhà lưu niệm Mặt trận Tân Hưng.

Đình Tân Hưng là nơi sinh hoạt văn hóa, giáo dục truyền thống lịch sử dân tộc và cách mạng cho thế hệ trẻ.

Bia kỷ niệm Mặt trận Tân Hưng.

Ngày 25-9-1992, Đình Tân Hưng được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

 

Leave a Reply